Ô nhiễm tiếng ồn đang là thực trạng đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, sức khỏe của con người và các loài động vật hoang dã sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy ô nhiễm tiếng ồn là gì và có những biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn nào hiện nay? Cùng Primer theo dõi ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn bạn nhé.
Ô nhiễm tiếng ồn là gì?

Ô nhiễm tiếng ồn chính là tình trạng tiếng ồn trong môi trường sinh sống và làm việc vượt quá giới hạn cho phép, khiến người nghe cảm thấy khó chịu nếu phải nghe trong một khoảng thời gian nhất định hoặc ngay lập tức.
Tại hầu hết các quốc gia, nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu xuất phát từ tiếng ồn ngoài trời (tiếng ồn môi trường) như tiếng còi xe, tiếng động cơ của các phương tiện giao thông, tiếng khoan phá của các công trình xây dựng,….
Các cấp độ ô nhiễm tiếng ồn
Đơn vị đo của âm thanh là decibels (dB) và 76 dB chính là phạm vị tiếng ồn gây khó chịu. Trong khi đó, ngưỡng nghe cho phép mà con người có thể chịu đựng được là khoảng 110 dB. Do đó, chúng ta có thể phân chia ô nhiễm tiếng ồn thành các cấp độ sau:
- Âm thanh phát sinh từ các xa lô cao tốc vào giờ cao điểm có khoảng cách khoảng 15mm là 76 dB.
- Xe chạy trên đường với tốc độ 105 km/h và phát ra tiếng ồn cách đó 8m là 77 dB.
- Xe tải chạy bằng dầu diesel với tốc độ 65 km/h và phát ra tiếng ồn cách đó 15m là 88 dB.
- Máy bay bay cách mặt đất 300m sẽ phát ra tiếng ồn là 88 dB.
- Máy bay boeing 737 hoặc DC-9 đang bay ở độ cao 1.853m khi hạ cánh xuống sẽ phát ra tiếng ồn là 97 dB.
- Tiếng ồn phát ra trong một buổi trình diễn nhạc rock sẽ dao động trong khoảng từ 108 – 114 dB.
>> Xem thêm: Môi trường tự nhiên là gì? Vai trò, ý nghĩa của môi trường tự nhiên
Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn

Ngày nay, ô nhiễm tiếng ồn đang ở một tình trạng đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo khảo sát thì có tới 90% người dân sinh sống tại các đô thị ở Việt Nam phải sống trong tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, tiếng ồn ở 12 nút giao thông chính ban ngày dao động từ 77,8 – 78,1 dBA, vượt mức cho phép từ 7,8 – 8,1 dBA, còn ban đêm thì tiếng ồn sẽ là 65,3 – 75,7 dBA, vượt mức cho phép từ 10 – 20 dBA.T Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trên các trục đường chính như ngã tư An Sương, Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, Hàng Xanh, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, chỉ số độ ồn luôn ở ngưỡng rất cao và vượt qua mức cho phép.
Theo như công bố của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có tới 40% dân số của Liên minh Châu Âu phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông ở mức trên 55 dBA. Trong khi đó, 30 dBA là ngưỡng tiếng ồn có thể gây khó ngủ hoặc mất tập trung.
Tại Singapore, người dân thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ do tiếng ồn phát ra từ tàu lửa tốc độ cao, động cơ máy bay và các công trình xây dựng. Tại Đức, ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến hơn 1.600 ca nhồi máu cơ tim mỗi năm. Còn theo một nghiên cứu ở Hy Lạp trên những người dân sống gần sân bay, cứ 10 dBA tiếng ồn tăng lên khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, bệnh tăng huyết áp lại tăng lên đáng kể.
>> Xem thêm: Vi khí hậu là gì? Các biện pháp phòng chống vi khí hậu
Tìm hiểu nguyên nhân ô nhiễm tiếng ồn
Ô nhiễm tiếng ồn phát sinh từ hai nguyên nhân chính, đó là nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo.
Nguyên nhân tự nhiên

Nguyên nhân tự nhiên gây ô nhiễm tiếng ồn phát sinh từ hoạt động của núi lửa và động đất. Mặc dù không xảy ra thường xuyên nhưng sức ảnh hưởng của nó lại cực lớn. Không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn mà còn có thể gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Nguyên nhân nhân tạo
Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn như hiện nay. Chúng có thể được chia thành các nguồn cụ thể như sau:
- Tiếng ồn phát ra từ hoạt động của các máy móc, thiết bị,…. tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp
- Các hoạt động của máy ủi, máy đào, máy xúc, máy trộn bê tông,…. khi triển khai các công trình xây dựng.
- Những hoạt động sinh hoạt thường ngày như karaoke, nghe nhạc, nói lớn tiếng,… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn
- Các hoạt động tập thể như lễ hội, biểu tình,… đông người tham gia.
- Tiếng ồn các phương tiện giao thông như oto, xe máy, tàu lửa, máy bay,…, bao gồm tiếng còi xe, tiếng động cơ hoạt động,….

Hậu quả của ô nhiễm tiếng ồn
Đối với con người
Ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Thậm chí là làm cản trở, rối loạn hành vi, tâm lý và chất lượng cuộc sống của con người.
Suy giảm thính giác
Suy giảm thính giác chính là vấn đề mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhất. Các loại âm thanh diễn ra ở cường độ cao dẫn đến sự nhiễu sóng truyền vào tai và làm xáo trộn những chất lỏng giúp hỗ trợ truyền âm giữa não với tai, đồng thời phá hủy các loại tế bào giúp truyền tín hiệu trong tai. Điều này sẽ làm suy giảm thính giác của người chịu ảnh hưởng. Nếu như lượng tế bào bị phá hủy 50%, con người sẽ bị mất hẳn thính giác.
Rối loạn tâm lý
Thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn sẽ khiến bạn trở nên lo lắng, mệt mỏi, dễ nổi nóng và nhiều khi là mất đi lí trí. Thậm chí, có những trường hợp chúng ta căng thẳng tới mức làm việc không hiệu quả hoặc trở nên tự ti, xa lánh xã hội.
Giảm chất lượng giấc ngủ
Ở trong một môi trường ồn ào quá mức, bạn sẽ khó có thể ngủ sâu giấc. Một khi không ngủ đủ giấc, giấc ngủ chập chờn, bạn sẽ bị mệt mỏi, cáu gắt và dễ mắc các chứng bệnh tim mạch.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Người thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn trong thời gian dài có khả năng mắc bệnh liên quan đến tim mạch như đau tim, cao huyết áp,… cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
Ảnh hưởng tới hoạt động giao tiếp
Khi tiếng ồn quá lớn, giọng nói của bạn sẽ bị át đi và việc giao tiếp sẽ trở nên khó khăn. Mọi người sẽ khó có thể truyền đạt ý muốn của mình với người khác một cách rõ ràng.
Đối với động vật hoang dã
Ô nhiễm tiếng ồn làm tăng nguy cơ tử vong ở động vật hoang dã, đặc biệt là với những loài động vật sử dụng âm thanh để giao tiếp, săn mồi. Bởi lẽ, khi cân bằng sinh học bị thay đổi, nó sẽ ảnh hưởng đến di truyền, tiến hóa của các loại động vật.
Các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn
- Giảm ồn tại nguồn
Để giảm ồn, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp giảm tiếng ồn tại nguồn bằng cách dùng các bộ phận giảm âm. Cách này thường được ứng dụng trong động cơ của xe tải, xe khách, máy bay, máy cơ khí công nghiệp, các thiết bị gây ra tiếng ồn trong gia đình,….
Phương pháp này tập trung vào việc cải tiến các thiết kế máy và quy trình hoạt động của máy, kiểm soát các chấn động và tăng cường hút bọc nguồn âm bằng các vật liệu tiêu âm, hút âm. Mặc dù được ứng dụng khá phổ biến nhưng cách này chỉ giảm ồn được một phần chứ không thể giảm hoàn toàn.

- Dùng vật liệu tiêu âm, cách âm
Để kiểm soát tiếng ồn phát tại các khu vực có tiếng ồn lớn như sảnh nhà ga, sân bay, trường học, bệnh viện, chúng ta có thể sử dụng vật liệu tiêu âm, cách âm. Việc xử lý tiếng ồn bằng những vật liệu cách âm, hút âm phải đảm bảo được chất lượng, kích cỡ, kiểu dáng, độ bền và khả năng lắp đặt.
- Nâng cao ý thức của người dân
Nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, hạn chế bấm còi xe khi không thực sự cần thiết và tránh làm ồn trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển thay vì sử dụng xe cá nhân nếu thuận tiện.
- Trồng nhiều cây xanh hoặc sử dụng rào chắn vật lý để hạn chế tiếng ồn.
- Hạn chế sử dụng các loại máy móc, thiết bị phát ra nhiều âm thanh lớn. Đồng thời cần thay thế các thiết bị, máy móc cũ, đã hết hạn sử dụng bằng thiết bị mới, hoạt động trơn tru.
- Sử dụng các động cơ phản lực không có tiếng ồn hoặc tạo ra ít tiếng ồn cho máy bay.
Trên đây là những thông tin mà Primer muốn chia sẻ đến bạn đọc về ô nhiễm tiếng ồn. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các bạn hiểu được ô nhiễm tiếng ồn là gì, nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn. Hãy cùng nhau thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn để cuộc sống này tươi đẹp, khỏe mạnh hơn bạn nhé.
Ô nhiễm không khí là gì? Nguyên nhân & Thực trạng ở Việt Nam và thế giới