Thủy triều đỏ là gì? Thủy triều đỏ chính là hiện tượng tảo sinh sản trong nước với số lượng quá lớn khiến cho vùng nước ven biển bị mất màu. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng thủy triều đỏ, nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục, các bạn hãy dành cho một chút thời gian để theo dõi bài viết này với chúng tôi nhé.
Thủy triều đỏ là gì?
Thủy triều đỏ hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa chỉ sự nở hoa quá mức của các loài vi tảo biển. Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng với số lượng lớn, lên đến hàng triệu tế bào/lít. Thông thường chỉ có khoảng 10 – 100 tế bào vi tảo/ml nước nhưng trong trường hợp này, mật độ có thể lên trên 10.000 tế bào/ml nước. Điều này đã làm biến đổi màu của nước biển sang xanh lục đậm, đỏ, tím, đen hoặc vàng xám.
Tùy từng loại tảo khác nhau mà thủy triều đỏ có thể sản sinh ra một lượng độc tố là nhiều hay ít. Tuy nhiên điểm chung của chúng đều là khiến oxy trong nước bị giảm xuống và gây ra hàng loạt cái chết của các loài sinh vật biển.
Nguyên nhân hình thành thủy triều đỏ
Thuỷ triều đỏ thường xuất hiện ở gần bờ, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra cách bờ khoảng 10 – 40 dặm (tương đương khoảng 16 – 64km). Vậy nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ là gì? Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ, trong đó phải kể đến những nguyên nhân sau:
- Nồng độ oxy trong nước bị giảm một cách nhanh chóng do nhiệt độ đột ngột tăng cao hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường bị tăng nhanh đột biến, sự trao đổi nước kém.
- Do lượng bụi giàu sắt đến từ những vùng sa mạc rộng lớn như sa mạc Sahara. Ngoài ra còn có một số lần hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra ở Thái Bình Dương là do biến đổi khí hậu quy mô lớn ( hiệu ứng El Nino).
- Do sự nở hoa của các loài tảo, bao gồm cả loại có độc tố và không có độc tố.
- Ở một số địa điểm, sự xuất hiện của thủy triều đỏ dường như là hoàn toàn tự nhiên. Nó xảy ra là do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể phát sinh từ việc phú dưỡng hóa nguồn nước (quá nhiều chất dinh dưỡng trong nước thải). Dòng nước lạnh đặc và chứa nhiều chất dinh dưỡng sẽ di chuyển từ phía sâu lên trên bề mặt đại dương để thay thế cho dòng nước nóng hơn.
Gần đây, thuật ngữ “Thủy triều đỏ” đang dần được loại bỏ vì thủy triều đỏ là tên gọi hoàn toàn không đúng với những gì mà nó đang diễn ra. Thực tế thì thủy triều đỏ không nhất định phải là màu đỏ mà có thể là nhiều màu khác như xanh, đen, hồng,…. Đặc biệt, chúng không liên quan đến chuyển động của thủy triều mà là dạng nở hoa của tảo.
Tác hại của hiện tượng thủy triều đỏ đối với con người và hệ sinh thái biển
Hiện tượng thuỷ triều đỏ có thể kéo dài từ vài tuần đến lâu hơn một năm. Trong thời gian xảy ra thuỷ triều đỏ, lượng oxy trong nước bị tiêu hao mạnh và có một khối lượng lớn các loài tảo độc hại bao phủ trên bề mặt đại dương. Điều này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển và con người.
Với hệ sinh thái biển
Thực tế thì tảo biển vốn là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi thức ăn dưới đại dương nên hầu hết những đợt tảo nở hoa là có lợi. Tuy nhiên khi sự cân bằng này bị phá vỡ, cụ thể là tảo nở hoa quá mức, chúng sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái. Các loài sinh vật biển chính là đối tượng đầu tiên phải chịu tác động trực tiếp của thủy triều đỏ.
Các đợt tảo biển nở hoa bùng phát sẽ tấn công và làm tổn thương hàng loạt động vật biển, giáp xác và thân mềm như trai, sò, vẹm, tôm, cua,…. Một số loài tảo độc hại có thể gây hại trực tiếp cho các loài sinh vật biển như làm tắc nghẽn mang hoặc giải phóng độc tố ra môi trường. Điều này đã gây ra hàng loạt cái chết cho các loài sinh vật biển.
Với trường hợp tảo không độc nở hoa và chết đi, quá trình phân hủy xác của chúng sẽ khiến cho lượng oxy trong nước bị hút cạn. Đây cũng là lý do khiến các loài động vật trong biển chết hàng loạt.
Với con người
Đối với người dân sống quanh khu vực thủy triều đỏ, chỉ cần thở trong vùng gần nơi xảy ra hiện tượng trên là đã có thể bị kích thích hô hấp, kích thích họng, gây ho. Ví dụ như ở Mexico có một loại tảo là Karenia brevis. Khi nở hoa, chúng có thể gây dị ứng mắt và ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người như gây ho, hắt hơi và chảy nước mắt. Những người bị bệnh hô hấp nặng hoặc kéo dài như bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh hen suyễn có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Nếu ăn phải các loài sinh vật biển đã ăn phải tảo độc, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, nhiều thành phần độc tố có trong thủy triều đỏ khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành hợp chất cao phân tử. Các hợp chất này có khả năng gây tê liệt mạnh hệ thần kinh.
Với nền kinh tế – xã hội
Theo các khảo sát, thống kê cho thấy, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế – xã hội và phát triển du lịch. Nó không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của hoạt động nuôi trồng thủy sản mà còn khiến ngành du lịch gặp khó khăn. Nguồn nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối sẽ khiến du khách không muốn tham gia các hoạt động du lịch biển, từ đó kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.
Hiện tượng thủy triều đỏ ở Việt Nam có xảy ra không?
Tại Việt Nam, hiện tượng thủy triều đỏ đã xảy ra ở nhiều nơi. Trong đó, khu vực biển Bình Thuận là nơi có tần suất tảo nở hoa nhiều nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra những trận bọt biển có màu đỏ vàng ở bãi biển Mũi Né – Hòn Rơm.
Các loài vi tảo gây ra hiện tượng này thường xuất hiện theo mùa ở khắp các vùng biển trên cả nước nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Ở nước ta, hiện tượng thuỷ triều đỏ thường xảy ra từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung Bộ, nổi bật nhất là tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Thuỷ triều đỏ đã đưa một lớp xác tảo, xác cá và nhiều loài động vật khác vào bờ khiến cho nước biển có mùi hôi tanh, gây khó khăn cho hoạt động du lịch trong vùng.
Các biện pháp ngăn ngừa hiện tượng thủy triều đỏ
Có thể thấy rằng, hiện tượng thủy triều đỏ gây ra rất nhiều hậu quả đối với con người và hệ sinh thái. Chính vì vậy, việc đưa ra biện pháp ngăn ngừa hiện tượng này xảy ra là hết sức cần thiết. Dưới đây là một số biện pháp có thể thực hiện để ngăn ngừa thủy triều đỏ:
- Lập những phương án, kế hoạch để khắc phục hậu quả của việc tảo nở hoa như lắng tảo hoặc dùng các hóa chất sinh học để hạn chế quá trình nở hoa của tảo.
- Kiểm soát nghiêm ngặt nguồn chất thải thải ra môi trường, đặc biệt là ở những vùng có nuôi trồng thủy hải sản.
- Lập ra bản đồ để liệt kê chi tiết các nguyên nhân có khả năng xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ.
- Thường xuyên triển khai công việc quản lý môi trường ở ven biển.
Trên đây là những thông tin để trả lời cho câu hỏi thủy triều đỏ là gì, nguyên nhân, tác hại và cách ngăn ngừa hiện tượng thủy triều đỏ mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về hiện tượng thủy triều đỏ để cùng chung tay, góp sức ngăn ngừa sự xuất hiện của hiện tượng này. Nếu bạn nào đang có nhu cầu tìm mua máy lọc nước RO công nghiệp, hãy liên hệ ngay với Primer theo số hotline 1900 98 98 35 ngay hôm nay bạn nhé.