Cùng với sự phát triển của các ngành khoa học nghiên cứu, nguồn năng lượng sạch đang dần được sử dụng phổ biến hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn năng lượng này đã thay thế một phần nào đó các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch. Trong bài viết ngày hôm nay, Primer sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về Năng lượng sạch là gì? Những nguồn năng lượng sạch đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Năng lượng sạch là gì?
Năng lượng sạch là nguồn năng lượng không phát ra khí thải cacbonic hoặc các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Những nguồn năng lượng sạch này thường được tạo ra từ các chế phẩm của tự nhiên hoặc trực tiếp từ thiên nhiên. Ví dụ như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước…
Nhiều người vẫn lầm tưởng năng lượng sạch là năng lượng tái tạo hoặc năng lượng xanh. Điều này hoàn toàn sai lầm vì năng lượng xanh là nguồn năng lượng có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, còn năng lượng tái tạo có thể là bất cứ nguồn năng lượng nào, chỉ cần nó có khả năng tái tạo. Tuy nhiên, đa phần các nguồn năng lượng xanh đều có thể tái tạo được. Trong khi đó, không phải nguồn năng lượng tái tạo nào cũng có thể là năng lượng xanh.
Ví dụ như thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo nhưng không phải là nguồn năng lượng xanh. Bởi lẽ, để xây dựng các đập thủy điện, con người phải phá rừng. Điều này đã phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật cư trú trong đó.
>> Xem thêm: Nước lớn nước ròng là gì? Lợi ích của nước lớn nước ròng
Năng lượng sạch gồm những loại nào?
Năng lượng đại dương
Năng lượng đại dương là các nguồn năng lượng hình thành từ sóng và thủy triều. Chúng được dùng để chạy các tuabin máy phát điện nhằm tạo ra điện năng. Lượng điện này sẽ được dùng cho các thiết bị trên biển như hải đăng, phao, cầu cảng và các hệ thống sử dụng điện năng khác…
Năng lượng mặt trời
Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng dồi dào, có sẵn từ tự nhiên và hoàn toàn miễn phí. Năng lượng mặt trời có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như chiếu sáng, sưởi ấm, làm mát hoặc sản xuất điện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người. Trong đó, điện mặt trời là ứng dụng phổ biến nhất của năng lượng mặt trời tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Quá trình dùng pin mặt trời để tạo ra điện hầu như không tạo ra chất thải làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, con người có thể thoải mái khai thác nguồn năng lượng này mà không sợ cạn kiệt. Từ những năm 50 ở thế kỷ trước, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia Tây Âu đã biết sử dụng nguồn năng lượng này để phục vụ cho cuộc sống.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời là rất lớn. Lượng bức xa mặt trời hàng năm tại hai miền Trung và Nam có thể lên đến 2.000 – 2.600 giờ. Con số này lớn hơn rất nhiều so với các nước đứng đầu về khai thác điện mặt trời trên thế giới hiện nay. Do đó, phát triển năng lượng điện mặt trời đang ngày càng được chú trọng đầu tư và ứng dụng ở nước ta.
Năng lượng tạo ra từ sự lên men sinh học
Đây là nguồn năng lượng được tạo từ sự lên men sinh học của các đồ phế thải sinh hoạt. Theo đó, các đồ phế thải sinh hoạt sẽ được phân loại, sau đó đưa vào các bể chứa để cho lên men nhằm tạo ra khí metan. Sau khi phân hủy hết, phần chất thải sẽ trở thành phân bón còn khí Metan sẽ được dùng để tạo ra điện năng.
Năng lượng gió
Gió được xem là nguồn năng lượng xanh vô cùng dồi dào và có ở mọi nơi. Rất nhiều nước đã tận dụng sức gió để quay các tuabin phát điện như Hà Lan, Anh hoặc Mỹ. Riêng tại Nhật Bản, hãng North Powen đã sản xuất thành công một tuabin gió siêu nhỏ. Tuabin này sử dụng cho một bình phát điện. Bình này có thể tạo ra dòng điện công suất là 3 W, đủ để thắp sáng một bóng đèn nhỏ.
Hệ thống phát điện sử dụng năng lượng gió thường được đặt ở những khu vực có sức gió mạnh. Đó là những địa điểm xa khu dân cư và xung quanh khá trống trải. Do đó, chúng bị hạn chế về vị trí xây dựng hệ thống và không được sử dụng phổ biến như năng lượng mặt trời.
>> Xem thêm: Ô nhiễm ánh sáng là gì? Nguyên nhân, tác hại, cách khắc phục
Pin nhiên liệu
Pin nhiên liệu có thể tạo ra điện năng từ phản ứng giữa hydro và oxy mà không tạo ra khí thải hoặc các chất độc hại. Hydro có thể lấy từ nhiều nguồn như khí tự nhiên hoặc khí metan sinh ra từ chất thải động vật.
Hiện nay, Nhật Bản đang là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất pin nhiên liệu. Quốc gia này đã sản xuất được nhiều nguồn pin nhiên liệu khác nhau dùng cho các phương tiện giao thông hoặc các thiết bị dân dụng như điện thoại di động.
Năng lượng địa nhiệt
Năng lượng địa nhiệt được khai thác ở vị trí sâu dưới lòng các hòn đảo hoặc những ngọn núi lửa. Để thu năng lượng địa nhiệt, người ta sẽ hút nước nóng từ độ sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, sau đó sử dụng nó để chạy tuabin điện.
Hiện nay, nguồn năng lượng này đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Indonesia, Philippines,… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa khai thác nguồn năng lượng này.
Năng lượng sinh học
Năng lượng sinh học (năng lượng sinh khối) là loại năng lượng nhiệt, điện được sản xuất từ nhiều loại vật liệu hữu cơ như gỗ, than củi hoặc phân động, thực vật. Xét trên tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới, năng lượng sinh học đứng thứ 4 trong tổng những nguồn năng lượng được khai thác.
Khí mêtan hydrate
Khí mêtan hydrate còn được gọi là nước đá bốc cháy. Nó là nguồn năng lượng sạch nằm sâu dưới lòng đất có màu trắng giống như nước đá và là thủ phạm gây tắc đường ống dẫn khí. Methane hydrate là một chất kết tinh gồm metan và phân tử nước.
Phần lớn khí mêtan hydrate được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất ẩn sâu trong lòng đại dương. Nó được xem là nguồn nguyên liệu thay thế cho than đá và dầu lửa.
Năng lượng từ tuyết
Hiệp hội nghiên cứu năng lượng thiên nhiên ở Bihari (Nhật Bản) đã thành công trong việc sử dụng tuyết để làm lạnh điều hòa không khí và các kho hàng đông lạnh. Trong dự án này, tuyết sẽ được chứa trong các nhà kho để giữ nhiệt độ tại đây duy trì ở mức 0 – 4 độ C (Mức nhiệt độ lý tưởng để bảo quản nông sản). Cách này sẽ giúp giảm tải chi phí sản xuất, từ đó làm giảm giá thành sản phẩm.
Lợi ích của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch
Những nguồn năng lượng sạch mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, cụ thể là:
Bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
Những nguồn năng lượng sạch không tạo ra chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường. Khi sống trong một môi trường sạch sẽ, trong lành, sức khỏe con người sẽ được nâng cao và ít mắc bệnh.
Góp phần ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu
Quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra nhiều chất khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính và làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Còn với những nguồn năng lượng sạch, chúng không tạo ra khí thải nên không tác động đến sự nóng lên toàn cầu.
Tiết kiệm chi phí
Năng lượng sạch là các nguồn năng lượng tái tạo và gần như miễn phí hoàn toàn. Chúng có tính chất là vô hạn và có thể tái tạo được. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu hóa thạch lại hữu hạn và chỉ có thể sử dụng trong khoảng 50 – 70 năm nữa mà thôi.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chi phí cho việc khai thác và sử dụng những nguồn năng lượng sạch cũng rẻ hơn, giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả hơn.
Giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch
Năng lượng sạch là những nguồn năng lượng độc lập, có thể bổ sung, thậm chí là thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như khí đốt, dầu mỏ, … Nhờ đó, con người sẽ bớt phụ thuộc các nguồn nhiên liệu hữu hạn, không thể khôi phục được.
Các nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam
Ngành năng lượng sạch tuy chưa thực sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhưng nó được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Bởi lẽ, nước ta sở hữu nhiều nguồn năng lượng sạch cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Năng lượng sinh học
Việt Nam là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển nên sản lượng các vật liệu hữu cơ là rất lớn. Từ gỗ, bã cà phê, mùn cưa, bã mía… chúng ta có thể sử dụng để sản xuất điện sạch.
Năng lượng mặt trời
Lượng bức xạ mặt trời ở Việt Nam tương đối cao và cường độ bức xạ tăng dần từ Bắc đến Nam với tổng giá trị năng lượng tiêu thụ hàng năm là 43.9 tỷ TOE. Chình điều này đã thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các dự án điện mặt trời lớn như dự án điện mặt trời Phù Mỹ (công suất 330 MW), dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2,3 (công suất 600 MW), …
Năng lượng nước
Việt Nam là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch trải rộng khắp cả nước (hơn 3.450 con sông, suối) với tổng lưu lượng nước lên đến 830 tỷ m3 nước mỗi năm. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành năng lượng nước có thể phát triển được. Theo như kế hoạch Quy hoạch và Phát triển Điện lực Quốc gia, giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% vào năm 2045. Trên cả nước hiện đã có hơn 1000 địa điểm có tiềm năng phát triển thủy điện với tổng khả năng cung cấp điện là trên 7000 MW.
Năng lượng gió
Với lợi thế đường bờ biển dài cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng gió lớn nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành điện gió phát triển mạnh trong tương lai.
Qua bài viết trên, các bạn chắc hẳn đã hiểu rõ hơn rất nhiều về những nguồn năng lượng sạch. Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên hóa thạch và mang đến sự phát triển bền vững cho kinh tế quốc gia. Hãy truy cập website https://primer.vn/ để xem nhiều bài viết hơn nhé!