Cỏ Vetiver là một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là với ngành nông nghiệp. Để tìm hiểu chi tiết về loại cỏ Vetiver là gì, các bạn hãy cùng với Primer tham khảo và đón đọc ngay bài viết dưới đây nhé.
Cỏ Vetiver là gì?
Tên khoa học của cỏ Vetiver là Vetiveria Zizanioides L. Đây là một loại cỏ sống lâu năm có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ. Nó thường được trồng chủ yếu ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới như Java, Haiti, Reunion,… và một số vùng ở khu vực Châu Phi, Châu Úc, Trung và Nam Mỹ.
Cỏ Vetiver được chia ra làm 12 loài, trong đó V.zizanioides (sống vùng đất ẩm) và Vetiveria nigritana (sống ở vùng khô hạn) là 2 loài phổ biến nhất. Hiện nay, có 2 kiểu gen loài Vetiveria zizanioides được sử dụng nhiều, đó là:
- Kiểu gen Bắc Ấn Độ: Là loại cỏ hoang dại và được nhân giống bằng hạt.
- Kiểu gen Nam Ấn Độ: Là loại cỏ được gieo trồng bằng thân và có khả năng tạo màu cho đất thấp.
Tại Việt Nam, cỏ Vetiver được gọi là cỏ Hương lau hoặc cỏ Hương. Loại cỏ này được trồng chủ yếu ở Thái Bình để sản xuất tinh dầu thơm. Giống cỏ được trồng ở nước ta thuộc dòng Nam Ấn Độ và có nguồn gốc từ Philippin hoặc Thái Lan, không ra hoa kết hạt.
Đặc điểm của cỏ Vetiver
Cỏ Vetiver có các đặc điểm như sau:
- Cỏ Vetiver dạng thân cọng mọc thẳng đứng, đặc, chắc, cứng và hoá gỗ. Cỏ mọc thành bụi dày đặc cao trung bình 1,5 – 2m và từ gốc rễ mọc ra rất nhiều chồi theo nhiều hướng khác nhau. Phần thân trên của cỏ không phân nhánh còn phần dưới đẻ nhánh rất mạnh.
- Phiến lá cỏ hẹp và có răng cưa bén dọc theo rìa lá. Lá cỏ dài khoảng 45 – 100cm và rộng khoảng 6 – 12mm.
- Cỏ Vetiver thường ít ra hoa và nếu có thì cũng là hoa bất thụ. Hoa của giống cỏ này là thẳng, dài khoảng 20 – 30cm, phân ra thành nhiều nhánh và có cuống chung lớn. Hoa của cỏ Vetiver là loại hoa lưỡng tính, không có cuống, hình dẹt và bông hoa thường rất nhỏ.
- Rễ là phần quan trọng nhất của cỏ Vetiver. Hệ thống rễ cỏ Vetiver bao gồm cả rễ chính, rễ thứ cấp hoặc rễ dạng sợi cắm thẳng đứng xuống sâu trong lòng đất khoảng 3 – 4m. Tùy vào điều kiện dinh dưỡng mà độ rộng của rễ có thể lên đến 2,5m sau vài năm trồng.
- Vetiver thuộc nhóm thực vật C4 nên nó không cần nhiều nước để chuyển hóa CO2 thành đường. Chính điều này đã giúp cây có thể phát triển tốt cả trong điều kiện khô hạn. Không chỉ vậy, loại cỏ này còn có sức chịu đựng đối với sự biến động khí hậu cực kỳ lớn như lũ lụt, ngập úng, hạn hán kéo dài. Cỏ có thể chịu được ngập úng kéo dài đến 45 ngày ở luồng nước sâu từ 0,6 – 0,8m.
Với các đặc điểm trên, cỏ Vetiver có thể thích nghi được với nhiều điều kiện sống khác nhau, kể cả những vùng đất đai khắc nghiệt. Nó thường được trồng với mục đích chính là chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất để bảo vệ đất đai hoa màu.
Hơn nữa, tinh dầu trong rễ cỏ có mùi thơm rất mạnh khiến các loài gặm nhấm và côn trùng không muốn lại gần. Lá cỏ cứng và sắc cũng cũng khiến các loài rắn không đến gần được. Vậy nên cỏ Vetiver thường được trồng làm hàng rào ngăn không cho chuột, rắn làm tổ.
Ứng dụng của cỏ Vetiver trong đời sống
Trong thực tế, cỏ Vetiver được ứng dụng nhiều trong ngành nông nghiệp, cụ thể là:
Là hàng rào sinh học để bảo vệ các loài cây trồng chính
Cỏ Vetiver thường được người dân trồng thành các hàng rào sinh học để bảo vệ cây trồng trước những loài côn trùng gây hại như rầy, rệp, sâu,… Khi trồng loại cỏ này, các loài côn trùng kia sẽ sống trên cỏ thay vì cây trồng chính, giúp bảo vệ cây trồng không bị phá hoại. Thêm vào đó, phần rễ của của cỏ Vetiver cũng thu hút các loài côn trùng và nấm gây hại khiến cho chúng không tấn công sang bộ rễ của những cây trồng chính.
Việc trồng cỏ Vetiver sống cộng sinh với các cây trồng khác sẽ giúp làm giảm áp lực côn trùng và nấm gây hại cho cây trồng chính. Từ đó, người dân sẽ không còn phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Khi cỏ Vetiver phát triển mạnh và cao lớn, người dân chỉ cần cắt tỉa quanh gốc và dùng phần bị cắt bỏ để che phủ lên đất hoặc làm phân xanh bón cho cây.
Lưu ý rằng, cỏ Vetiver chỉ có thể trồng cộng sinh với các loài cây ăn trái, cây công nghiệp chứ không thể trồng cùng các loài cây lấy củ được.
Giúp giữ nước và các chất dinh dưỡng cho đất
Cỏ Vetiver có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất và có tác dụng giống như những miếng bọt biển, đó là giữ lại nước cho đất. Khi nước mưa ngấm xuống đất, bộ rễ này sẽ giúp giữ nước ở lại bên trong lâu hơn, kết hợp cùng với lớp thân lá che phủ ở bên trên sẽ hạn chế được tình trạng thoát hơi nước. Không chỉ vậy, rễ cỏ còn có khả năng hấp thụ và giữ lại được khá nhiều dưỡng chất ở trong đất, giúp đất tăng được độ phì nhiêu.
Phần thân và rễ cỏ mọc dày đặc sẽ giữ lại chất trầm tích như bùn, đất,…. nằm lại trên mặt đất. Khi được vùi lấp xuống đất, phần thân, lá và rễ sẽ bị phân hủy thành các chất hữu cơ giúp cho đất trở nên tơi xốp và thông thoáng hơn, góp phần cải thiện được đặc tính cơ học của đất.
Chống xói mòn và sạt lở đất rất tốt
Cỏ Vetiver rất cứng, dai, khỏe với bộ rễ đâm sâu xuống đất và phần thân có thể mọc cao lên tới 2,5m tạo thành các hàng rào tự nhiên dày đặc, chắc chắn. Nhờ đó nó có thể phân tán và làm chậm dòng chảy của nước trên một diện rộng, giúp giảm thiểu tình trạng xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất ở cả những nơi đất bằng hay đất dốc.
Bên cạnh đó, hàng rào từ cỏ Vetiver còn góp phần ổn định sườn dốc và hạn chế hiện tượng sạt lở đất, giúp làm giảm vận tốc dòng chảy và giữ cho đất không bị nước cuốn trôi.
Xử lý nước thải
Cỏ Vertiver có khả năng hấp thu các khoáng chất có độc tính cao trong nước, giúp lọc nước và bảo vệ môi trường khá hiệu quả
Sự phân bố kim loại nặng trong cỏ Vetiver có thể được chia ra làm 3 nhóm sau:
- Rất ít asen, cadmi, crom và thủy ngân do rễ hấp thụ được chuyển lên phần thân và lá, khoảng 1 – 5%.
- Một lượng vừa phải đồng, niken, chì, seleni do rễ hấp thụ được chuyển lên thân và lá, khoảng 16 – 33%.
- Kẽm được phân bố đồng đều ở thân, lá và rễ, khoảng 40%.
Dùng làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp
Phần rễ và thân lá của cỏ Vetiver thường được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất giỏ, mành, chiếu,… Đặc biệt bộ rễ của giống cỏ này còn được ứng dụng trong sản xuất tinh dầu.
Bổ sung chất hữu cơ cho đất
Vetiver là loại cỏ có tuổi thọ cao, có tốc độ phát triển nhanh nên cho lượng sinh khối hữu cơ rất lớn. Đặc biệt khi được trồng trong điều kiện thích hợp, mỗi tháng người dân đều có thể cắt tỉa cây để lấy sinh khối.
Trồng cỏ Vetiver để lấy sinh khối được xem là một phương pháp ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao, vừa giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón, vừa giúp bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Làm nguồn thức ăn tự nhiên giàu chất xơ cho gia súc
Khi cỏ Vetiver còn no, người dân có thể cắt tỉa để làm thức ăn cho các loài gia súc như trâu, bò,…
Qua bài viết trên của Primer, các bạn chắc hẳn đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để trả lời cho câu hỏi cỏ Vetier là gì. Để xem thêm nhiều bài viết bổ ích hơn nữa, hãy thường xuyên vào website của Primer và đừng quên, liên hệ ngay với chúng tôi nếu có nhu cầu mua bộ lọc nước đầu nguồn các bạn nhé.