Chất thải nguy hại là những loại chất thải gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống của chúng ta. Trong bài viết này, Primer sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chất thải nguy hại là gì, nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại là gì và cách xử lý các loại chất thải này ra sao. Để bảo vệ môi trường sống của chính mình, các bạn hãy dành một chút thời gian và theo dõi bài viết này nhé.
Chất thải nguy hại là gì?
Có rất cách để định nghĩa về chất thải nguy hại và ở mỗi quốc gia khác nhau, cách định nghĩa về chất thải nguy hại cũng có thể khác nhau. Ví dụ như:
- Ở Philipine: Chất thải nguy hại là những chất có độc tính, hoạt tính, có tính ăn mòn, gây kích thích, có thể gây cháy, nổ và gây nguy hiểm cho con người và các loài động vật.
- Ở Canada: Chất thải nguy hại là những chất có bản chất và tính chất gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường. Để loại bỏ hoặc làm giảm đặc tính nguy hại của những chất này, chúng ta cần thực hiện những kỹ thuật xử lý đặc biệt.
- Theo Liên Hợp Quốc (12/1985): Ngoài chất thải y tế và chất thải phóng xạ, chất thải nguy hại là chất thải có hoạt tính hóa học, có độc tính, gây nổ, ăn mòn hoặc có đặc tính khác gây nguy hại hoặc có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường.
- Tại Việt Nam: Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các yếu tố độc hại, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc,… hoặc tương tác với các chất khác và gây nguy hại tới con người và môi trường.
Nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại là gì?
Chất thải nguy hại có thể phát sinh từ rất nhiều ngành nghề và tùy từng lĩnh vực mà chất thải nguy hại sẽ có những đặc trưng riêng biệt. Dưới đây là một số loại chất thải nguy hại điển hình theo từng nguồn phát sinh:
- Chất thải sinh hoạt: Pin, acquy, đèn huỳnh quang, thuốc diệt trừ mối mọt, kiến gián, chất thải có thành phần chất kết dính- sơn – vecni – mực in,….
- Chất thải y tế: Chất thải từ các hoạt động chăm sóc y tế, hoá trị liệu,….
- Công nghiệp: Mạ kim loại là các kim loại nặng, dung dịch axit,….
- Khai thác khoáng sản: Quặng sắt, quặng sulfide, chất thải có chứa dầu, hắc ín,….
- Cơ khí: Xăng – dầu – nhớt – sáp – mỡ thải, bùn thải từ thiết bị tách dầu, chặn dầu, chất thải có chứa amiăng, halogen hữu cơ,…
- Điện tử: Các thiết bị điện có CFC, HCFC, PCB, HFC, amiăng…
- Nông nghiệp: Bao bì thuốc trừ sâu, các loại thuốc hết hạn sử dụng, kim tiêm, vỏ chai thuốc,… chứa dược phẩm gây độc tế bào như cytotoxic, cytostatic,…
Tại Việt Nam, lượng chất thải nguy hại đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp là khoảng 3.600 tấn/năm, ngoài ra còn có khoảng 37.000 tấn hoá chất cấm khác đang tồn kho và chưa có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hầu hết chất thải nguy hại đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Phân loại chất thải nguy hại
Việc phân loại chất thải nguy hại sẽ giúp chúng ta có hướng xử lý đúng, an toàn và hiệu quả. Cụ thể thì chất thải nguy hại được phân ra thành những loại sau:
Chất thải được liệt kê
Loại chất thải này được chia thành bốn nhóm danh sách, đó là F, K, P, U.
- Danh sách F: Gồm các chất thải nguy hại đến từ quá trình sản xuất công nghiệp thông thường như một số loại dung môi tẩy dầu mỡ và làm sạch. Chất thải thuộc danh sách này đến từ nguồn không cụ thể, tức là nó có thể được tạo ra từ nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp.
- Danh sách K: Bao gồm các chất thải cụ thể đến từ các ngành công nghiệp nhất định như dầu khí, sản xuất thuốc trừ sâu,…. Những ngành này tạo ra một số loại nước thải và bùn thải.
- Danh sách P và U: Bao gồm những sản phẩm hóa chất bị loại bỏ ở dạng không sử dụng như dược phẩm, thuốc trừ sâu.
Chất thải đặc trưng
Đây là loại chất thải không phù hợp với bất kỳ loại nào được liệt kê ở trên nhưng vẫn là chất thải nguy hại. Bởi lẽ, nó có một trong 5 đặc điểm là dễ cháy nổ, có đặc tính ăn mòn, chứa độc tính, thuốc thử hoặc truyền nhiễm. Đối với loại này, mỗi loại chất thải nguy hại khi được phân loại đều cần dán nhãn để nhận biết chúng.
Chất thải phổ quát
Bao gồm pin chứa chì hoặc lithium, thuốc trừ sâu, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị chứa thủy ngân hoặc ống tia âm cực.
Chất thải hỗn hợp
Chất thải hỗn hợp là loại có chứa cả thành phần đồng vị phóng xạ và chất thải nguy hại. Việc thu gom loại chất này thường rất phức tạp và phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Xử lý chất thải nguy hại đúng cách, an toàn và hiệu quả
Có nhiều phương pháp được áp dụng để xử lý chất thải nguy hại. Đó là:
Xử lý bằng phương pháp hóa học và phương pháp hóa học – vật lý
– Hấp thu khí: Dùng để xử lý nước ngầm bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ bay hơi với nồng độ thấp, dưới 200 mg/l, không thích hợp để áp dụng với chất ô nhiễm kém bay hơi.
– Chưng cất: Dùng để xử lý nước thải, nước ngầm bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ bay hơi (VOC) và bán bay hơi.
– Xử lý đất bằng phương pháp trích ly bay hơi: Dùng để xử lý đất bị ô nhiễm VOC và được áp dụng với tầng đất nằm trên mực nước ngầm hoặc đất đã được đào lên.
– Hấp phụ: Than hoạt tính thường được sử dụng để loại bỏ các chất hữu cơ độc hại trong nước.
– Oxy hóa học: Sử dụng các tác nhân oxy hóa để oxy hóa chất hữu cơ trong chất thải nhằm làm mất đi hoặc làm giảm độc tính của nó.
– Dòng tới hạn: Là dòng vật chất được gia tăng nhiệt độ, áp suất để có tính chất giữa lỏng và khí, trong đó có 2 kỹ thuật được sử dụng để xử lý chất thải nguy hại, đó là:
- Trích ly: Các chất hữu cơ trong đất, nước khi ở điều kiện nhiệt độ, áp suất cao sẽ hòa tan vào dòng tới hạn và bị tách ra khỏi dòng khi ở điều kiện nhiệt độ, áp suất thấp.
- Oxy hóa: Khí và nước bị ô nhiễm sẽ được đưa đến trên điểm tới hạn của nước và khi ở điều kiện này, các thành phần hữu cơ ô nhiễm sẽ bị oxy hóa nhanh chóng.
– Màng: Dùng để tách nước từ dòng ô nhiễm bằng vi lọc, siêu lọc, màng điện tích, thẩm thấu ngược.
Phương pháp sinh học
Là phương pháp sử dụng vi sinh vật để phân hủy và biến đổi chất hữu cơ trong chất thải nguy hại, từ đó góp phần làm giảm các nguy cơ của nó với môi trường. Việc xử lý chất hữu cơ nguy hại có thể được thực hiện nếu dùng đúng loài vi sinh vật và có biện pháp kiểm soát hợp lý.
Các hệ thống xử lý chất thải nguy hại bằng phương pháp sinh học có thể được chia thành: Hệ thống bùn lơ lửng, xử lý hiếu khí hoặc kỵ khí.
Phương pháp nhiệt
Là phương pháp dùng để xử lý những chất thải nguy hại không thể chôn lấp và có khả năng cháy. Phương pháp này sẽ dựa vào sự oxy hóa và phân hủy nhiệt để khử độc tính và phá vỡ cấu trúc của chất thải. Tùy vào thành phần của chất thải mà khí sinh ra sẽ khác nhau, trong đó phổ biến là khí CO2, NOx, Sox, CO, bụi,… ngoài ra còn có P2O5, Cl2,…
Các lò đốt được sử dụng phổ biến hiện nay là lò đốt chất lỏng, lò đốt tầng sôi, lò hơi, lò đốt thùng quay, lò đốt xi măng và lò đốt gi/vỉ cố định.
Phương pháp ổn định hóa rắn
Ổn định hóa rắn là quá trình làm tăng các tính chất vật lý của chất thải để giảm khả năng phát tán độc tính của nó vào môi trường. Các chất phụ gia thường được dùng để ổn định hóa rắn chất thải nguy hại là xi măng, pozzolan, silicat dễ tan, đất sét hữu cơ biến tính hoặc các polymer hữu cơ.
Đó là một số cách xử lý chất thải nguy hại mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chất thải nguy hại là gì. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn với bài viết này và đừng quên, Primer là đơn vị cung cấp máy lọc nước RO công nghiệp uy tín, giá Tốt trên thị trường hiện nay.